Giả sử có một ngày ta lội về cội nguồn, tìm lại những mảnh kí ức của ngày xưa rồi vội ngỡ rằng mọi thứ đã đổi thay mà chẳng một lời hỏi han, nhắc nhở?
Xứ sở thần tiên trên những dòng lưu bút hôm nào nay đã ngã màu, khép mình lặng xoay vào những năm tháng đã xa, im lìm bất lực thả trôi vào một chốn nước non tĩnh lặng nào đó mà chẳng buồn khoáy mình lảo đảo nhắm gửi dăm câu.
Giả sử, giả sử thôi, có một ngày ta hóa mình ngồi lên cỗ xe ngựa trên con đường lữ thứ, trôi nhẹ bồng bềnh giữa ranh giời thực - hư, mập mờ trắng - đen giữa muôn vạn thù hình ở ngoài kia giữa cuộc đời tấp nập. Đã có ai một lần khẽ ngoái nhìn về một chân trời vẻ vui nay đã trở thành quá vãng?
Liệu đã bao lần ta vung tay, phũ phàng vứt bỏ một ai đó trong con hẻm đen kịt không chút ánh sáng, không chút thanh âm rồi bật đi để cuối cùng phải chạy đôn chạy đáo khắp thành phố to rộng này chỉ để mong nói một câu xin lỗi với họ mà khả dĩ chẳng thành?
Có ai đó đã từng lủi thủi một mình quay lại với mái trường xưa, thăm lại những hàng ghế đá, những cây xà cừ phủ mát bóng râm? Hay chỉ đơn giản ngắm nhìn những dãy phòng, những viên gạch xám xịt, những hàng rêu phong lưu cữu bám víu ở một góc sân trường. Nơi đã chứng kiến bao đổi thay của đời người?
Đã có ai đã từng cảm thấy mình chỉ như một kẻ khuất thực khi đứng trước “cảnh cũ người xưa”? Cảm thấy bản thân đã khánh kiệt những thơ ngây, những mầm vui, những hạt giống hồn nhiên? Muốn bản thân an yên nơi chốn cũ, không bị mai mọt theo những va đập, không phải chịu cái cảm giác lăn lóc, va xiết trong guồng đời?
Có lẽ, đứng trước những bão giông, những con sóng dữ dội sẵn sàng nuốt chửng mỗi lúc ta bải hoải, khinh xuất. Con người ta lại càng khao khát những thanh an dễ chịu cho riêng mình. Cho riêng bản thân sau những tháng ngày tơi tả để được tựa vào “một nhịp điệu chậm, để níu giữ mình, hoàn nguyên mình”.
Cũng có lẽ sau chuỗi ngày dài rong ruổi giữa bụi bặm trần ai, ta lại càng muốn nuôi dưỡng bản nguyên “bằng mảnh hồn hài nhi mãi mãi không muốn lớn, không định lớn, không thèm lớn”. Để mãi vô tư, chẳng phải đoái hoài gì đến ngày mai, để được nép sau lưng mẹ mỗi lúc bao giông, tựa vào bờ vai rạm nắng của cha mỗi lúc mệt nhoài.
Hơn lúc nào hết, khi vấp ngã, khi bản thân chợt nhận ra đã đến lúc tự mình phải đương đầu với những sóng gió cuộc đời. Ta lại thèm nghe những câu chuyện cổ tích trong lời kể hôm nào của mẹ thuở nằm nôi. Được rảo đôi chân trần bước trên lối mòn cỏ rũ mát chân, thảnh thơi ngồi ngắm những con sóng êm ả dệt ren mềm vào chân cát, ngắm bóng hoàng hôn đổ dần trên mặt nước, những đàn chim đang bay vỗ cánh tung bay về một phương trời xa thẳm. Và lượm lặt một chút hơi ấm của màu áo thiên thanh để cảm thấy bình yên trước những bọn chen, xô bồ của cuộc sống thường nhật.
Ước gì mỗi chúng ta đều có trong tay cây bút thần của Mã Lương để tự vẽ nên thiên đường cho riêng mình nơi thảo nguyên xanh mát cùng hương thơm đượm nồng của những bông hoa rực rỡ dưới bóng mặt trời. Thế nhưng, cuộc đời không giống trò chơi, không phải chỉ ước là có thể đạt được. Khó khăn càng nhiều, thử thách càng nhiều càng làm cho con người ta trở nên trưởng thành hơn. Kí ức, hoài niệm đôi lúc chợt ùa về nơi tâm trí làm rộn ràng lồng ngực trẻ, làm mủi lòng những lúc tủi thân. Hãy gửi gắm những gì tốt đẹp ấy vào cho tháng năm quá khứ giữ gìn hộ, để bất tử trong cái đẹp của Tạo Hóa. Để khi ta mệt mỏi, bất lực những giá trị vững bền ấy trở thành sứ giả của thanh an tiếp thêm cho ta sức mạnh, động lực vững bước trên con đường này.
CLB Truyền thông C500
Biên tập: Trung Hoàng
Ảnh: Internet