Lịch sử đất nước ta đã trải qua hàng ngàn năm chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp có âm mưu quay lại xâm lược, đất nước ta đứng trước nguy cơ rơi buộc phải chiến đấu với thực dân Pháp, giành lại độc lập dân tộc. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược bùng nổ, tuy nhiên số người bị thương và chết tăng lên nhanh chóng do sự chênh lệch về vũ khí, đời sống của chiến sỹ và đồng bào ta gặp muôn vàn khó khăn.
Bên cạnh những chính sách nhằm đảm bảo đời sống vật chất, tinh thần cho các chiến sĩ, thương binh, gia đình có chiến sĩ hi sinh trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, Cục Chính trị Quân đội quốc gia cùng các đại biểu Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên cứu quốc, cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha Thông tin tuyên truyền đã họp tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, nhất trí lấy ngày 27 tháng 7 năm 1947 làm ngày Thương binh liệt sĩ.
Ngày Thương binh liệt sĩ 27/7 là Lễ tưởng niệm những thương binh, liệt sĩ đã hy sinh trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đây là ngày lễ có ý nghĩa nhân văn cao cả, thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn” đáng quý của dân tộc ta, là dịp để toàn nhân dân cùng tỏ biết ơn và kính trọng những thương bệnh binh, những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến giành độc lập cho dân tộc và gia đình của họ.
Hoà bình đã lập lại trên Tổ quốc Việt Nam 46 năm, đất nước ta đã trải qua cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập, chủ quyền để bước vào sự nghiệp mở cửa và phát triển. Tuy nhiên, công cuộc bảo vệ an ninh quốc gia và đảm bảo trật tự an toàn xã hội ngày nay vẫn phải đứng trước những nguy cơ, thách thức. Các âm mưu, hoạt động chống phá cách mạng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, quá trình quá độ xã hội chủ nghĩa tiến tới chống phá, lật đổ chính quyền của các thế lực thù địch và các loại tội phạm ngày càng tinh vi và xảo quyệt. Trong cuộc chiến của lực lượng Công an nhân dân đương đầu với tội phạm, với cái xấu, cái ác, có những cán bộ, chiến sĩ đang anh dũng hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Có những sự hy sinh đã trở thành khúc tráng ca tạc vào lòng người ở lại bức tượng đài về lòng dũng cảm, bất khuất quyên sinh vì nghĩa lớn.
Một trong vô vàn những hy sinh thầm lặng ấy, chúng ta hãy nhìn lại sự hy sinh oanh liệt của 03 cán bộ, chiến sĩ trong vụ Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội). Ba chiến sĩ Công an nhân dân anh dũng ngã xuống là: Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, Đại úy Phạm Công Huy và Thượng úy Dương Đức Hoàng Quân. Họ là những cán bộ chiến sĩ đã chiến đấu anh dũng trong vụ việc gây rối trật tự tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội của các đối tượng chống đối ngày 9/1/2020.
Sự chiến đấu anh dũng của ba liệt sĩ đã thể hiện lòng dũng cảm, không ngại gian khổ, hy sinh để chiến đấu chống các tội phạm gây rối an ninh, trật tự. Hai trong ba chiến sĩ hi sinh khi tuổi đời còn trẻ, họ để lại đằng sau sự tiếc thương của vợ con, người thân, bạn bè, đồng chí, đồng đội để đổi lại sự bình yên cho cuộc sống của người dân. Hay như đối với Đại tá Nguyễn Huy Thịnh, bữa cơm vội cuối cùng bên gia đình trước khi lên đường công tác đã để lại sự đau xót nghẹn lòng cho những người ở lại. Công cuộc chiến đấu với mặt trái của xã hội, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân của người con ưu tú ấy đã ngừng lại. Đây là mất mát không thể đong đếm nhưng đồng đội sẽ tiếp bước các anh để giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ vững chắc an ninh Tổ quốc, giữ yên bình và hạnh phúc cho cuộc sống của nhân dân.
Ghi nhận công lao to lớn của 03 cán bộ chiến sĩ, ngày 10/1/2020, Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất cho ba cán bộ, chiến sĩ công an hi sinh trong khi làm nhiệm vụ tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ngày 11/1, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định thăng cấp bậc hàm cho ba cán bộ, chiến sĩ công an hy sinh.
Nhân kỉ niệm 74 năm ngày Thương binh liệt sĩ, chúng ta một lần nữa nhắc lại những tấm gương của các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh, trật tự xã hội. Họ là những con người không ngại khó khăn để tiên phong chống lại những mặt trái của xã hội. Chúng ta sống trong một xã hội hòa bình nhờ có những tấm gương sáng ấy.
Các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự bình yên, vững chắc của Tổ quốc. Họ còn truyền lại cho đời con, đời cháu sức mạnh của lý tưởng cao đẹp. Có biết bao con em của những thương binh, liệt sĩ đã và đang nối gót sự nghiệp của ông cha, viết tiếp ước mơ dưới mái trường Học viện An ninh nhân dân. Thật đáng trân trọng và cảm phục trước dòng chảy truyền thống chảy dài qua các thế hệ như thế.
Trong bối cảnh cả nước chung tay chống đại dịch COVID-19, còn nhiều những y bác sĩ, chiến sĩ công an, quân đội, những người dân khác chịu đựng thiếu thốn để chiến đấu với dịch bệnh, họ có thể sẵn sàng hi sinh vì sự ổn định, yên bình cho xã hội. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đời đời nhớ ơn các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, người có công với đất nước đã xả thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Xin kính cẩn dâng lên các anh hùng nén tâm hương tưởng nhớ bằng lòng thành kính và biết ơn sâu sắc!
CLB Truyền thông C500 - CMC
Biên tập: Bùi Văn Thành Long
Ảnh: Sưu tầm