Lan tỏa tin tốt trên mạng xã hội mỗi ngày: Lấy cái đẹp dẹp cái xấu

18/04/2018
Đặng Huyền
0

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Ngọc Lương đã trả lời PV Thanh Niên về cuộc vận động 'Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp', do T.Ư Đoàn phát động trên mạng xã hội.

Có nhiều câu chuyện đẹp được Đoàn đưa lên mạng xã hội để thanh niên theo dõi

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Cuộc vận động nhằm hướng tới các giá trị cao đẹp, sống có ích, trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội của mỗi thanh thiếu nhi.

Thưa anh, cuộc vận động "Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" trên mạng xã hội của T.Ư Đoàn sẽ làm thay đổi hành vi của người trẻ theo hướng tích cực trong cuộc sống?


"Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp" là hoạt động truyền thông với những thông tin tốt, những hình ảnh đẹp hay câu chuyện mang các giá trị nhân bản, lối sống nhân văn nhằm tạo ra xu hướng tích cực trên mạng xã hội về những giá trị tốt đẹp của cuộc sống, đồng thời giúp “cạnh tranh” và lấn át trước những thông tin xấu, độc hại.Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông đã khiến tin tức lan truyền gần như ngay lập tức. Nắm bắt được xu thế đó, các cấp bộ Đoàn đã tích cực tuyên truyền những tin tốt, câu chuyện đẹp trên mạng xã hội với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”.

Cá nhân được tiếp nhận nhiều thông tin tốt, hình ảnh và câu chuyện đẹp thường xuyên sẽ giúp con người ghi sâu vào tâm trí, qua đó định hướng được nhận thức và thay đổi hành vi của mình theo hướng tích cực như những gì đã được tiếp nhận.

Cũng cần nói thêm là thực tế hiện nay trên mạng xã hội, hằng ngày những thông tin xấu, độc xuất hiện ngày càng nhiều, khó kiểm soát, đã ảnh hưởng tiêu cực không nhỏ tới nhận thức, lối sống và hành vi của các bạn trẻ.

Cuộc vận động sẽ được lan tỏa như thế nào, thưa anh?

Sẽ triển khai thành nhiều đợt cao điểm, hằng tháng lựa chọn một tuần đồng loạt đăng tải, chia sẻ tin tốt, câu chuyện đẹp trên mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng. Thông qua các giải thưởng, các hình thức tuyên dương của Đoàn về các tấm gương thanh thiếu nhi tiêu biểu trên các lĩnh vực sẽ được truyền thông một cách rộng khắp, truyền cảm hứng cho nhiều thanh thiếu nhi khác...

Có ý kiến cho rằng, trên mạng xã hội các thông tin xấu, độc hại được lan truyền rất nhanh, phần lớn do thanh niên chưa có đủ bản lĩnh để đấu tranh với những thông tin đó, anh nghĩ sao?

Thông tin xấu, độc hại lan truyền nhanh và gây ảnh hưởng nhiều tới nhận thức và hành vi của thanh niên. Một phần những thông tin xấu, thất thiệt thường gây tò mò và chú ý đối với giới trẻ, cách đưa tin giật gân và cường độ xuất hiện liên tục cũng là một yếu tố gây tác động đến thanh niên. Cũng có một bộ phận các bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội có thể vô tình tương tác thông tin xấu, độc, do chưa được cung cấp đầy đủ thông tin.

Vì thế, việc các cấp bộ Đoàn chủ động nhập cuộc và mỗi đoàn viên, thanh niên chia sẻ những điều tích cực sẽ giúp cho thông tin tốt được lan tỏa nhanh hơn và tác động sâu sắc đến tâm trí của thanh thiếu niên nhiều hơn. Điều đó cũng đòi hỏi mỗi bạn trẻ phải có đủ bản lĩnh, có lăng kính nhìn nhận sự việc một cách khách quan, thận trọng, nhiều chiều. Khi các bạn có nhận thức đúng sẽ có hành động đúng.

Trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn đã rất chú trọng tuyên truyền, thông tin yếu tố tích cực, gương người tốt, việc tốt trên mạng xã hội, phản bác lại các thông tin xấu, độc; đồng thời thường xuyên trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp cho các bạn trẻ khi sử dụng mạng xã hội. Điều này sẽ tiếp tục được triển khai trong thời gian tới.

Thưa anh, làm gì để cuộc vận động thực sự thuyết phục và trở thành một "hiện tượng tự nhiên"?

Gương người tốt, việc tốt cần phải được tôn vinh và nhân rộng trong cộng đồng xã hội. Từ quá trình thử nghiệm đăng tải, chia sẻ tin tốt, câu chuyện đẹp thời gian vừa qua, nhất là trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI cho thấy hiệu ứng rất tích cực, các bạn trẻ và cộng đồng mạng rất quan tâm theo dõi, chia sẻ, bình luận. Trên cơ sở đó, đại hội đã quyết định triển khai cuộc vận động “Mỗi ngày một tin tốt, mỗi tuần một câu chuyện đẹp”.

Để chương trình thực sự thuyết phục và tự nhiên thẩm thấu vào nhận thức và thói quen của giới trẻ, thiết nghĩ chúng ta cần có cách thức tiếp cận mới, gần gũi, dung dị, đời thường, chân thực và gắn với hơi thở của cuộc sống. Tuyên truyền những câu chuyện đẹp trong đời sống hằng ngày không nhất thiết phải “đao to búa lớn”, đã là câu chuyện đẹp thì tự bản thân nó đã có sức hấp dẫn, lan tỏa tích cực trong cộng đồng.

Triển khai cuộc vận động cần sự kiên trì, bền bỉ theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, dần dần sẽ tạo thay đổi tích cực trong nhận thức, lối sống và hành vi của các bạn trẻ. Đồng thời, cần tích cực truyền thông qua nhiều kênh khác nhau để lan tỏa cái tốt, cái đẹp ra xã hội.

Anh có kỳ vọng và chia sẻ gì với bạn trẻ qua cuộc vận động này?

Tôi tin, qua việc triển khai cuộc vận động, thì những tin tốt, câu chuyện đẹp thực sự sẽ vẫn luôn là chủ đạo, truyền cảm hứng việc làm tốt, hành động đẹp cho các bạn trẻ.

Tôi cũng mong mỗi bạn trẻ khi đưa thông tin lên mạng xã hội phải là thông tin thật về con người, hành vi và bối cảnh, được dựa trên lăng kính của giá trị nhân bản và văn hóa sâu sắc. Hãy để những câu chuyện tốt lan tỏa mạnh mẽ, rung động đến những góc khuất sâu nhất của tâm hồn con người. Chính điều ấy sẽ làm cuộc sống có những đổi thay tích cực để con người càng đồng cảm, chia sẻ với nhau nhiều hơn.

Xin cảm ơn anh!

 

Theo: Báo Thanh niên

Viết bình luận của bạn: