Lá thư gửi mẹ!

11/10/2019
Truyền thông C500
0

Gửi đến mẹ, người con luôn yêu thương và kính trọng!

Con không viết những dòng này vào mùa Vu Lan báo hiếu, 8/3, 20/10 hay một dịp đặc biệt nào đó. Con viết những dòng này vào ngày hôm nay, một ngày bình thường, ở một nơi xa cách mẹ ngàn cây số, con cảm thấy nhớ mẹ da diết, nhớ về tuổi thơ êm đềm tươi đẹp, không chút ưu phiền của con

Đây là lá thư đầu tiên con gửi cho mẹ, cũng là lần đầu con gói ghém mọi tâm tư để giãi bày lên từng con chữ cho tròn vành rõ nghĩa. Thật ra, khi viết những lời này, con cũng không biết nên viết cái gì nữa, dù trước đó, con đã viết rất nhiều, rất rất nhiều, nhưng vẫn chưa một lần viết về mẹ, không phải vì con không có gì để sẻ chia, giãi bày mà chỉ vì những gì mẹ đã làm cho con là quá nhiều, quá lớn lao, người bên con nhiều nhất, cho con nhiều nhất, thực sự yêu con bằng những tình yêu giản đơn nhưng vô cùng cao cả, đến độ bản thân con cũng không biết nên bắt đầu từ đâu cho đúng lễ phải phép.

Kết quả hình ảnh cho ảnh về mẹ

Con có sến quá không vậy mẹ? Nếu mẹ đọc được những dòng này chắc mẹ sẽ giật mình rồi bảo “Sao không nói trực tiếp mà phải thư từ cho rườm rà làm chi vậy?”. Nhưng mà, có những thứ mà chúng ta không thể nào thốt ra được trực tiếp trên đầu môi mà cần một thứ gì đó nương nhờ để gửi đến nhau mẹ ạ!

“Ầu ơ, ví dầu cầu ván đóng đinh

Cầu treo lắt lẻo gập ghềnh khó đi

Khó đi mẹ dắt con đi

Con đi trường học mẹ đi trường đời”

Tuổi thơ của con được bắt đầu bằng những lời ru ngọt ngào như thế bên cánh võng, chìm vào giấc ngủ mơ màng trong gió mát từ cánh quạt giấy phập phồng buổi trưa hè bức oải. Tuổi thơ của con được lớn lên bằng sự bao dung, vòng tay ấm áp với dòng sữa hiền hòa đã ngấm vào máu, vào người con, nhập hòa làm một.

Mười mấy năm trôi qua kể từ lúc con còn chưa lên hình thành dáng cũng là mười mấy năm mẹ phải khoác lên vai biết bao nỗi cơ hàn, nhọc nhằn, tủi cực. Đi qua thời gian, đi qua năm tháng, con lớn dần lên với những bữa cơm cùng thịt cá, rau cà, theo đó mà trưởng thành hơn, trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của chính con, qua bàn tay của mẹ.

Mười mấy năm qua mẹ vẫn cứ thế, âm thầm cam chịu, chăm chút cho con từng li từng tí, tóc đã ngả hai màu muối tiêu, gương mặt hiện lên những vết chân chim luống tuổi. Con đã khóc khi nhớ đến mẹ và những năm tháng lặn lội mẹ nuôi chị em con khôn lớn. Khi nhớ đến khuôn mặt gầy gò và bóng dáng mẹ một mình lủi thủi nơi góc bếp và gánh hàng trên vỉa hè của một con phố nhỏ, nhớ đến đôi tay hao gầy đầy vết xước nâng niu từng đồng tiền lẻ mà phải đánh đổi bằng mồ hôi và tuổi thọ từng sợi tóc mới có được.

“Đêm nay con ngủ giấc tròn

Mẹ là ngọn gió của con suốt đời”

Giữa lòng thành phố, giữa những ích kỷ và toan tính ích kỷ thiệt hơn, con vẫn luôn hạnh phúc êm đềm bên vòng tay của mẹ. Một dòng yêu thương mãnh liệt truyền vào sâu trái tim bé nhỏ của con, qua ánh mắt, qua nụ cười, qua đôi môi, qua tất cả những gì mẹ làm cho con. Lớn lên, con mới nhận ra mình là người hạnh phúc nhất thế gian khi vẫn có mẹ ở bên để uốn nắn, để ôn tồn chỉ bảo điều hay ý đẹp, để nhắc nhở trong những phút mải mê bông đùa. Con đã biết yêu thương, đã biết được nỗi lo toan quang gánh nặng nhọc ngày càng đè nặng lên đôi vai hao gầy của mẹ.

Tình yêu của mẹ dành cho con là duy nhất, là vĩnh hằng trong nét đẹp của tạo hóa. Tình yêu của mẹ vốn không cần hồi đáp, và bản thân nó cũng bao la đến độ con nghĩ rằng sẽ chẳng thể nào trả nổi, nó không được đong đếm bằng một đại lượng toán học, không thể giới hạn bằng cái chật chội 24 giờ, hay 365 ngày. “Nó không có quy tắc, không có thương hại, nó vượt qua và nghiền nát tất cả mọi thứ chắn đường”, nhẹ nhàng và hiển nhiên như không khí đang hít thở, như bầu khí quyển riêng biệt của sự yêu thương, của lòng vị tha, bao dung không bến bờ dẫu con đang ở đâu, làm gì, cho dù là chân trời góc bể.

Kết quả hình ảnh cho ảnh về mẹ

Con cảm thấy mình là người hạnh phúc nhất trên quả đất này lại vừa tầm thường so với vóc dáng tình yêu thương của mẹ. Mẹ đã dạy cho con biết cách tự chữa lành những vết thương, “nâng niu một cành hoa, trân trọng một nhành lá, yêu tiếng chim hót mỗi sớm mai”, chỉ cho con nghe về “giá trị của một lời chào, vẻ đẹp của nụ cười, sự ấm áp của đôi bàn tay”. Những hôm trời lạnh ngắt, ngồi sau chiếc Honda ôm lưng mẹ con cảm thấy lòng mình an yên đến lạ, mặc kệ trời trở gió lùa sâu vào mạn sườn rét mỏi.

Dù khỏe mạnh hay ốm đau, mẹ vẫn chăm sóc con từng chút một, khi thì ly sữa ngậy khói, khi thì cái áo ấm để chở che con qua ngày đông lạnh giá, khi thì phẩy bụi trần đang vương trên vạt áo. Bao nhiêu lần con ngỗ nghịch là bấy nhiêu lần mẹ thứ tha. Đánh con đau, mẹ còn đau hơn cả trăm lần như thế. Nước mắt mẹ làm con đau lòng, đau hơn cả trăm ngàn nỗi đau roi vọt. Nước mắt mẹ làm mềm trái tim khô khốc và bướng bỉnh của con, nơi mà con từng bất cần đến mức nghĩ rằng mẹ không bao giờ hiểu được.

“Mẹ ru cái lẽ ở đời

Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn

Bà ru mẹ… mẹ ru con

Liệu mai sau các con còn nhớ chăng”

Mẹ mang phép nhiệm màu bất diệt, tặng con một tuổi thơ bình yên, có thể làm mọi điều tốt nhất, đặt hạnh phúc, niềm vui, nụ cười của con lên trước bản thân mà chẳng một lần than thở dẫu với chính mình, những gì con đang trải qua có thấm gì so với bao nhiêu năm tháng mẹ gồng gánh chở che. Con có ngày hôm nay là bố mẹ mang cho, mang cho con cuộc sống, mang cho con tên tuổi với cuộc đời.

Kết quả hình ảnh cho ảnh về mẹ

Khi con viết những dòng này, con nghĩ về quá khứ con đang trở về với mẹ, với ngày xưa bằng nỗi nhớ, tiềm thức suy tư và tình yêu của mình. Những năm tháng con lớn lên bằng lời ru và câu ca của mẹ, những tháng ngày diệu kỳ nhất của đời con. Dẫu có cất cánh bay đi phương trời nào, chỉ cần quay đầu lại, thì mẹ vẫn luôn ở đó, âm thầm dõi theo con, vì mẹ là nhà, là tình yêu, là bến đỗ luôn dang rộng vòng tay đón con trở về. Và cũng vì lẽ, “Con dù lớn khôn vẫn là con của mẹ. Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con”

Hàng vạn lời cảm ơn cũng không bao giờ đủ cho những gì mẹ đã làm vì con

Con chưa bao giờ đủ dũng cảm để nói ra “Con yêu mẹ” nhưng trong tim con mẹ luôn là người phụ nữ tuyệt vời nhất!

Cảm ơn trời, cảm ơn đời, đã cho con người mẹ quá tuyệt vời.

CLB Truyền thông C500 - CMC

Biên tập: Trung Hoàng

Ảnh sưu tầm.