Kinh nghiệm từ ôn Toeic và đạt kết quả cao

07/09/2021
Truyền thông C500
0

Trước khi bắt đầu ôn luyện cho một kì thi nào đó thì điều đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là xác định được động lực cũng mục tiêu cho riêng bản thân mình. Như vậy, trong quá trình ôn thi mới có một định hướng rõ ràng và kết quả được như ý. Đối với sinh viên của Học viện An ninh nhân dân nói riêng và các trường ĐH – CĐ nói chung, TOEIC chính là một trong những chuẩn đầu ra quan trọng. Đối sinh viên không chuyên ngữ là 450-500 điểm và sinh viên chuyên ngữ là 850 điểm. Các mức điểm khác nhau yêu cầu người học phải có cách tiếp cận, phương pháp và chiến thuật ôn thi khác nhau. Nhờ xác định mục tiêu đúng đắn, lắng nghe,  học hỏi kinh nghiệm của những người đạt kết quả cao trong các kì thi TOEIC trước, mình đã ôn tập nghiêm túcđạt kết quả cao ngoài mong đợi. Vì vậy, mình rất háo hức được chia sẻ với các bạn một số kinh nghiệm tự ôn thi TOEIC quý báu mà bản thân đã tìm hiểu, tích lũy được trong quá trình học tập và ôn luyện.

          Thứ nhất, cần biết trình độ hiện tại của mình đang ở đâu. Ông cha ta từ xưa đã có câu: "Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng". Điều này cực kì đúng khi bạn muốn tự luyện TOEIC tại nhà. Bạn cần phải biết trình độ hiện tại của mình thì mới có kế hoạch học tập hợp lý, và chọn tài liệu ôn tập phù hợp để đạt được mức điểm mà bản thân hướng đến. Để biết được trình độ hiện tại đó, các bạn có thể làm đề thi thử TOEIC trên trang chủ ETS hoặc qua bài kiểm tra của thầy cô giao khi học trên lớp.

          Thứ hai, tìm hiểu rõ những giáo trình tốt để sử dụng và biết cách sử dụng tốt giáo trình. Sau khi biết được trình độ của mình, các bạn cần bắt tay ngay vào tìm hiểu các giáo trình ôn thi TOEIC tốt trong vô số những giáo trình được bày bán ở nhà sách và trên các trang mạng. Nếu như ngữ pháp và từ vựng của bạn chưa được ổn thì bạn nên làm một số tài liệu luyện phần này trước cho chắc chắn, sau đó mới luyện các bộ đề như Economy Toeic, Longman New Real, ETS Toeic,…Sử dụng đúng giáo trình có nghĩa là bạn đã đặt nền tảng đúng đắn cho lộ trình ôn luyện của mình. Bên cạnh đó, phải đọc kỹ hướng dẫn sử dụng sách, phần mà rất nhiều người bỏ qua khi đọc sách. Bạn nên đọc kỹ mục lục để hiểu cơ bản các “nhánh” nội dung, cũng như cảm nhận được chiến lược viết của tác giả để biết mình sẽ xuất phát từ đâu và đi đến đâu. Khi học bạn không nên chỉ học mỗi bài một lần duy nhất, vì học ngôn ngữ đòi hỏi bạn lặp đi lặp lại, nên dù đã học qua bài đó rồi, bạn vẫn nên đọc lại chính những bài mà bạn đã học rất kỹ khi rảnh, nó sẽ giúp bạn xây dựng trí nhớ và khả năng sử dụng ngôn ngữ vững chắc, đánh tan sự nghi ngờ của bản thân trong mỗi tình huống ngôn ngữ không rõ ràng mà bạn đối mặt. Và đừng ngần ngại đánh dấu hay ghi chép thẳng vào sách những điểm chưa hiểu, những chú thích quan trọng.

          Thứ ba, hiểu rõ phạm vi của bài thi TOEIC và cấu trúc của từng phần thi cũng như các yêu cầu làm bài cho từng phần. Bài thi nghe và viết của TOEIC được chia làm 7 phần (part). Độ khó dễ và mức điểm của từng phần là khác nhau. Việc nhận định kĩ đặc điểm của từng phần và có kế hoạch phân bố thời gian hợp lí khi làm bài là điều hết sức cần thiết.

          Thứ tư, cần phải xem lại bài làm, phần giải thích đáp án của bài và có sổ tay ghi chép. Đây có thể được coi là một bước không thể thiếu nếu như bạn muốn tự luyện TOEIC thành công. Nếu như chỉ làm bài, luyện đề rồi check (kiểm tra) đáp án để xem được bao nhiêu điểm và để đó rồi không xem lại nữa thì 100% là bạn sẽ không bao giờ tiến bộ được. Không chỉ xem lại đáp án mà bạn còn phải tìm hiểu vì sao đáp án của mình làm lại không chính xác, tra từ vựng, ghi chú cấu trúc ngữ pháp nếu cần thiết. Đối với bài nghe, bạn nên nghe lại kèm theo đọc audio script, đặc biệt là ở những chỗ mình không nghe được. Bạn nên biết rằng ghi chép, bản thân nó đã là một lần luyện tập và ghi nhớ. Sau mỗi lần giải đề, bạn nên hệ thống hóa lại những điểm ngữ pháp, những từ vựng, những dạng câu hỏi thường gặp để ôn lại khi cần thiết. Thỉnh thoảng phải mở cuốn sổ ghi chép để đọc lại, chắc chắn lúc ấy bạn sẽ cảm thấy dễ học bởi những nét chữ của bạn, những màu mực đó... có khả năng giúp bạn hồi tưởng một cách thú vị và rất riêng vì lúc ấy đã thuộc về riêng bạn.

          Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất chính là tinh thần. Tinh thần chăm chỉ, không ngại khó khăn. Nếu như bạn không phải là người thường xuyên tiếp xúc với tiếng Anh trước đây thì hãy thay đổi điều đó. Hãy đặt mục tiêu học TOEIC mỗi ngày phù hợp với thời khóa biểu của bản thân. Để có thể tăng một số điểm đáng kể trong kì thi, người học phải phát triển trình độ tiếng Anh tổng quát. Không có mẹo, bí mật hay đường tắt nào ở đây. Chỉ đơn thuần là phải tiếp xúc -học - sử dụng tiếng Anh hàng ngày. Để hiệu quả hơn, chỉ có thể là phát triển trình độ tổng quát tiếng Anh của mình kèm theo cấu trúc bài TOEIC và có một kế hoạch hành động rõ ràng.

          Hy vọng những chia sẻ này của mình có thể giúp các bạn đang "lạc phương hướng" có một chiến thuật ôn thi TOEIC thật hiệu quả. Chúc các bạn thành công trong kì thi TOEIC của mình.

Phạm Thị Thu Hoài - AV47