Sau thành công cách mạng tháng 8, Việt Nam không ngủ quên trong chiến thắng mà tiếp tục chuẩn bị lực lượng cho kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Thế nhưng nỗi đau mất mát về những người lính đã ngã xuống vẫn chưa nguôi ngoai. Chính vì thế tại cuộc họp do cục Chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam tổ chức năm 1947, hội nghị nhất trí đề nghị Trung ương lấy ngày 27 tháng 7 làm ngày thương binh liệt sĩ. Đây là dịp đặc biệt thể hiện lòng biết ơn đến những người chiến sĩ đã anh dũng chiến đấu, đánh đổi cả xương máu và nước mắt của mình vì hai chữ “hòa bình”, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc.
Nhớ lại những ngày kháng chiến, lớp lớp thế hệ cha ông đã vác lên mình khẩu súng ra chiến trường để thực hiện sứ mệnh giành lại độc lập dân tộc, bảo vệ từng ngọn cỏ cọng cây nơi mảnh đất nguồn cội quê hương này…. Có những người may mắn sống sót trong “mưa bom bão đạn”, nhưng lại mang trên mình những thương tích không thể chửa lành; có những người mãi mãi nằm lại trên chiến trường xưa cũ. Máu các anh đã nhuộm đỏ lên lá cờ bay phấp phới trong bầu trời hòa bình hôm nay.
Không chỉ thời chiến, mà thời bình những người lính vẫn kiên cường bảo vệ tổ quốc, quê hương này. Cuộc đời của họ trọn vẹn trong sự cống hiến và hi sinh. Tinh thần người lính không cho phép các anh lùi bước trước những nhiệm vụ khó khắn, nguy hiểm; để rồi có những sự ra đi để lại bao thương tiếc cho đồng đội và gia đình,…Thế nhưng với lời thề của người chiến sĩ, các anh vẫn tiếp tục cố gắng hoàn thành sứ mệnh, lý tưởng cũng là trách nhiệm đang gánh trên đôi vai mình.
Tiếp nối truyền thống anh hùng của “các anh”: “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”, tuổi trẻ CAND hôm nay đang ra sức học tập, rèn luyện, phấn đấu để cống hiến sức mình vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững trật tự an toàn xã hội, xứng đáng là tấm khiên thép bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Nguồn : QPVN