Khúc tráng ca bất tử

10/10/2019
Truyền Thông C500
0

Cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc tháng Hai năm 1979 là một cuộc chiến chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc. Đó là sự thật không thể thay đổi hay xóa nhòa được, là khúc tráng ca bất tử trong lịch sử dựng nước và giữ nước hào hùng của dân tộc.

“Nam quốc sơn hà Nam đế cư,

Tiệt nhiên định phận tại thiên thư.

Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm,

Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.”

Những lời thơ hào sảnh ấy không chỉ là những lời thơ, nó đã ngấm vào máu, lưu truyền đời đời, trở thành lời giáo huấn mỗi con dân đất Việt. Nước Việt ta từ thuở hồng hoang lập nước, bốn ngàn năm lịch sử là bốn ngàn năm chinh chiến, chiến đấu và chiến thắng mọi thế lực ngoại bang xâm lược, giữ gìn đất nước văn hóa ông cha. Từng ấy thời gian, cùng bao mất mát, dân tộc phương Nam này đã hình thành cho mình truyền thống vô cùng quý báu - truyền thống yêu nước.

Trong những bước thăng trầm của lịch sử Việt Nam, thế kỷ XX là thế kỷ mà dân tộc Việt Nam phải đương đầu với những thách thức gay gắt và quyết liệt nhất. Sau 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, giành độc lập dân tộc, giang san thu về một mối, nghiễm tưởng hòa bình lâu dài sẽ trở lại. Nhưng một lần nữa, dân tộc ta lại phải cầm súng đứng lên bảo vệ Tổ quốc, chống lại cuộc chiến tranh xâm lược của thế lực phản động phương Bắc.

Biên cương bị xâm phạm, hàng ngàn thanh niên Việt Nam
 khi đó đã xung phong nhập ngũ để bảo vệ Tổ quốc.

Tháng 5/1975, quân Khmer Đỏ thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam tàn sát dân thường. Đứng đằng sau là Trung Quốc tài trợ khí tài, cố vấn quân sự. Khi quân đội Việt Nam tổng phản công trên biên giới Tây Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế đánh sang Campuchia lật đổ chính quyền Khmer Đỏ, Trung Quốc quyết định dừng viện trợ và âm thầm chuẩn bị lực lượng cho cuộc xâm lược nhằm vào Việt Nam. Rạng sáng 17/2/1979, tiếng súng nổ mở màn cho cuộc chiến kéo dài 30 ngày dọc biên giới Việt - Trung, trên địa bàn 6 tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh và kéo dài suốt 10 năm sau đó. Trung Quốc đưa 600.000 quân tấn công toàn tuyến biên giới Việt Nam. Số quân Trung Quốc tham chiến lúc này nhiều hơn các đạo quân xâm lược trước đó. Thời điểm cao nhất, quân Mỹ huy động trên chiến trường Việt Nam gần 550.000 quân, Pháp 250.000 quân... Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi ấy tuyên bố "Phải dạy cho Việt Nam một bài học" và che mắt thế giới rằng "đây là cuộc chiến tranh phản kích tự vệ".

Quân ta chiến đấu bảo vệ Lạng Sơn

Xe tăng Trung Quốc bị Sư đoàn 346 tiêu diệt
ở Bản Sẩy, Hòa An, Cao Bằng sáng 18-2-1979

Cuộc tấn công quy mô lớn của Trung Quốc khiến nhân dân Việt Nam và cả thế giới bất ngờ. Trước đó, trong hai cuộc kháng chiến, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam rất nhiều, đóng góp vào chiến thắng của dân tộc ta. Lực lượng phòng thủ của Việt Nam ở biên giới lúc này khoảng 50.000 quân, gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang, dân quân tự vệ. Bước vào cuộc chiến không cân sức, quân dân 6 tỉnh biên giới phía Bắc đã tổ chức các đợt phòng ngự, đẩy lùi từng đợt tiến công của quân Trung Quốc. Ở Lạng Sơn, sau 10 ngày chiến đấu, Trung Quốc tung thêm quân vào thị xã Lạng Sơn, dùng chiến thuật “biển người” nhằm xâm chiếm mục tiêu quan trọng. Lực lượng vũ trang địa phương đã đánh bật hàng chục đợt tiến công của giặc. Các trận đánh diễn ra ác liệt ở cầu Khánh Khê, Tam Lung, Đồng Đăng. Quân Trung Quốc chia các hướng đánh vào nhiều điểm tại Lai Châu, Hà Tuyên, Quảng Ninh. Hai sư đoàn Trung Quốc tiến công theo đường 10 vào Nậm Cúm, Phong Thổ (Lai Châu). Lực lượng vũ trang Việt Nam đã chiến đấu, chặn đứng giặc ở đây 20 ngày. Cùng lúc đó, một cuộc chuyển quân thần tốc của 3 quân đoàn chủ lực Việt Nam trở về bảo vệ biên giới diễn ra bằng đường biển, đường bộ và đường hàng không. Liên Xô lập cầu hàng không tương trợ cho Việt Nam, đưa quân từ mặt trận Campuchia ra thẳng miền Bắc tham chiến.

Lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng

Sáng 5/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên bất thường, ra quyết định tổng động viên trong cả nước. Cùng ngày, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng ký sắc lệnh 29 - LCT ra lệnh tổng động viên. Mọi công dân trong lứa tuổi do luật định đều phải gia nhập lực lượng vũ trang bảo vệ tổ quốc. 50 triệu người Việt Nam sẵn sàng cho tình thế chuyển từ thời bình sang thời chiến. Lệnh tổng động viên được ban bố sáng 5/3, chiều cùng ngày Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân và rêu rao hoàn thành mục tiêu "dạy cho Việt Nam một bài học". Thể hiện thiện chí hòa bình, Việt Nam tuyên bố để Trung Quốc rút quân. Ngày 18/3, Trung Quốc hoàn thành việc rút quân. Trước khi rút, chúng còn tàn phá một số làng mạc, phá hoại công trình di tích, bệnh viện, trường học, giết hại nhiều người dân vô tội.

Bộ đội hành quân lên tuyến đầu bảo vệ Cao Bằng

Tù binh Trung Quốc bị phía ta bắt giữ

Trên thực tế, chiến tranh biên giới phía Bắc kéo dài suốt 10 năm (1979-1989) khi Trung Quốc duy trì nhiều sư đoàn, trung đoàn độc lập áp sát biên giới lấn chiếm lãnh thổ, biến Việt Nam thành thao trường. Các đơn vị chủ lực Việt Nam thay phiên nhau bổ sung quân cho chiến trường phía Bắc. Nhiều đợt nhập ngũ diễn ra, hàng nghìn thanh niên Việt Nam tuổi 18-20 mãi nằm lại biên cương trong cuộc chiến này. Những địa danh như Vị Xuyên, “Đồi thịt băm”, “Lò vôi thế kỷ”, “Thung lũng gọi hồn”, “Thác âm phủ”, “Ngã ba tử thần” và lời thề “sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” sẽ sống mãi như khúc tráng ca hào hùng trong lịch sử dân tộc, tô thắm truyền thống yêu nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

Nghĩa trang liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu
bảo vệ biên giới phía Bắc, Vị Xuyên, Hà Giang

Đã tròn bốn mươi năm đã trôi qua, thời gian ấy bằng một nửa đời người, nhưng ta vẫn nghe vang vọng lời bài hát của nhạc sĩ Phạm Tuyên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới, gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới/ Quân xâm lược bành trướng dã man, đã dày xéo mảnh đất tiền phương, lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp dải biên cương…” Đó là lời hiệu triệu, là tiếng kèn xung trận hừng hực hào khí cha ông của 40 năm về trước. Vậy là chưa đầy 4 năm sau cuộc trường chinh giải phóng dân tộc, dẫu còn mang trên mình đầy thương tích chưa kịp liền da, nhưng Việt Nam lại hào hùng ra trận đương đầu với một cuộc chiến tranh xâm lược mới hết sức tàn khốc, do chính người “đồng chí, anh em” trước đó của mình gây ra. Sứ mệnh lịch sử một lần nữa lại đặt lên vai dân tộc để rồi đất nước lại viết tiếp bản anh hùng ca trong lịch sử chống ngoại xâm oanh liệt của cha ông với những Chi Lăng, Đống Đa của thế kỉ Hai mươi.

Tháng 11/1991, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm Trung Quốc, đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước.

Trong chuyến thăm các cựu chiến binh sư đoàn 356 - đơn vị lập nhiều thành tích bảo vệ biên giới phía Bắc tại các cao điểm thuộc xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhấn mạnh : “Lúc bấy giờ cả nước dồn sức bảo vệ biên giới phía Bắc trong cuộc chiến tranh chính nghĩa thuộc về chúng ta.” Cuộc chiến tranh “ngắn ngủi nhưng đẫm máu” khép lại, những người lính và nhân dân trực tiếp tham gia cuộc chiến không quên. Những gia đình thân nhân liệt sĩ, thương binh của cuộc chiến không quên. Và thế hệ những người Việt Nam sống ở thời điểm 1979 ấy cũng không quên. Không thể nào quên bởi đó là quá khứ đau thương nhưng hào hùng của đất nước. Nhưng liệu thời gian có thể xóa nhòa tất cả nếu chúng ta không ghi lại, không nhắc nhở cho con cháu?

CLB Truyền thông C500 - CMC

Biên tập: Vũ Kiên

* Bài viết có sử dụng tư liệu Tạp chí Cộng sản, báo điện tử Dân trí, VnExpress, Vietnamnet và nguồn ảnh Internet