"Có bố làm Công an là như thế nào?"

07/09/2021
Truyền thông C500
0

Tôi còn nhớ ngày thơ bé, có lần khi được bố tắm cho, tôi thắc mắc hỏi vết gì trên bụng bố, bố mỉm cười rồi bảo ngày trước bố không nghe lời bố mẹ, lười học thì có vết đó

Lớn lên một chút, biết và quan tâm đến nhiều điều xung quanh hơn, tôi biết bố làm “cảnh sát ma túy”. Ngày đó trong đầu tôi chỉ biết cảnh sát hay bắt tội phạm, còn “ma túy” là gì thì tôi chịu.
Một vài năm sau, tôi thấy bố mang về một quyển sách, đặt quyển sách ấy ở một vị trí trang trọng trên tủ rượu giữa phòng khách. Cuốn sách ấy bìa màu xanh, tựa "Thương binh, liệt sĩ", rất dày. Với tính hiếu kì của tôi, tôi đã tò mò mang quyển sách xuống đọc thử. Khi trang sách được mở ra, trước mắt tôi bát ngát là những dòng chữ , với một đứa trẻ cấp I như tôi khi ấy, tôi thật sự ngại khi đọc hết nên chỉ mở xem hình ảnh.

Bỗng nhiên, tôi bắt gặp hình ảnh của bố tôi trong đó. Có thứ gì đó thôi thúc tôi phải đọc hết cuốn sách. Đó cũng là lúc tôi biết nguyên cớ thực sự của vết sẹo trên bụng bố. Đó là khi bố tôi đang đi trên đường, thấy hai tên cướp đang cố giành giật lấy xe đạp của cô gái kia, bố chẳng ngần ngại lao đến giúp cô gái lấy lại chiếc xe đó. Trong sách viết bố tôi đã bị đâm tới ngất đi và thật may khi mở mắt ra bố đã ở trong viện và được các bác sĩ cứu chữa. Chú Hà cùng cơ quan bố ngày đó, hay nói ngày đó chú đã hiến máu cứu bố. Với một đứa trẻ như tôi khi ấy, sự “cứu” ấy cũng đơn giản như bao nhiêu sự cứu giúp khác. Nhưng lớn lên, tôi mới hiểu, chú đã cứu một người bố vĩ đại, một chiến sĩ công an đã mang cái tài, cái tâm cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ trật tự xã hội ở một thành phố có tình hình an ninh trật tự phức tạp bậc nhất.

Sau đó một thời gian, bất kỳ một vị khách nào tới nhà chơi, tôi cũng tự hào mở trang sách đó ra và nói: “Bố cháu đó”. Niềm tự hào ấy vẫn nguyên vẹn cho đến tận bây giờ. Khi có dịp mời những người bạn về nhà, tôi không quên khoe rằng trong quyển sách đầu tiên mà bất cứ ai bước vào nhà mình đều sẽ thấy, có hình của bố tôi và hai trong số những chiến tích của bố trong suốt sự nghiệp. 

Và không ít lần sau này, bố vắng nhà nhiều ngày, không gọi điện, không nhắn tin, tôi chỉ biết bố “đi làm”. Khi bố về, tôi cũng tự hiểu bố và đồng đội lại mới phá xong một chuyên án hay hoàn thành một nhiệm vụ nào đó. Và cũng có lúc tôi lại thấy bố mình có thêm những vết thương, những vết trầy xước. Tôi thấy trái tim mình như rớm máu, lòng tôi như chùng xuống…nhưng tôi lại vội vã lau khô sự yếu đuối thấm ướt trong trái tim mình.

Thế rồi, bố tôi vắng nhà là chuyện trở nên bình thường. Cả những đêm giao thừa nhà nhà sum họp, nhà mình chỉ có tôi và mẹ...

Theo thời gian, tôi dần hiểu những điều ấy là do đặc thù công việc của bố, và cũng không chỉ mỗi bố mà còn rất nhiều người bố, người chồng khác cũng đang ngày ngày đang đặt niềm vui, gia đình, sức khỏe bản thân xuống, đặt trọng trách chở nặng trên mỗi chiếc quân hàm đỏ lên trên hết. 

Ngày bé, có thời gian nhà tôi hay đùa với nhau rằng bố mà về nhà trước 6h tối thì hôm sau y như rằng trời mưa. Bận bịu công việc là thế, bố vẫn đón tôi mọi lúc có thể. Có lẽ thời gian tôi được gần bố nhiều nhất là ngồi sau xe bố đón đưa tôi đi học. Nhất là những năm lớp 9 và lớp 12, trước những kì thi quan trọng của cuộc đời tôi, bố như một “đôi cánh” đúng nghĩa của tôi. Có những ngày 4 ca học cách nhau cả nửa vòng thành phố, bố vẫn không quản ngại sắp xếp công việc đón con. Có những ngày tôi cảm thấy thật mệt mỏi, tôi cảm thấy thời gian ngồi sau bố đưa ăn vội cái bánh, gói xôi bố mua trên đường chuyển ca học là lúc tôi cảm thấy yên bình nhất, thảnh thơi nhất. Nhưng tôi sẽ không nói ra, vì con biết bố, mẹ và gia đình cũng rất mệt mỏi nhưng mọi người đều đang đặt rất nhiều kỳ vọng ở tôi, và con cũng không thể phụ những mong mỏi, kỳ vọng ấy. Ngồi sau lưng bố có lẽ không giúp tôi có thể quan sát bố nhiều, nhưng tôi thấy thời gian cũng đã để lại những dấu vết nhất định qua cách đi xe của bố, bố tôi hiếm khi chạy nhanh như trước. Tôi tự nhủ bản thân phải cố gắng hơn mới được.

Có lẽ đã lâu lắm tôi chưa nói được câu “con yêu bố, yêu mẹ, hay yêu gia đình”... Tôi nghĩ đó là vì từ yêu chưa đủ nhưng bố tôi luôn là chiến sĩ công an tuyệt vời nhất, vĩ đại nhất trong tôi.
Và tôi cũng biết rằng, những hy sinh thầm lặng của bố hôm nay là sự cống hiến cho sự nghiệp vĩ đại vì dân, vì nước. Và tôi cũng biết rằng, có biết bao người đồng chí, đồng đội của bố tôi đã và đang chiến đấu vì sự bình yên của Tổ quốc, cho sự ấm êm của mỗi mái nhà, ngọn núi, con sông, và có cả những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh một cuộc đời mình xuống mảnh đất quê hương để đổi lại hạnh phúc đơm nở cho đời sau. 

Tôi viết những dòng này bằng lòng cảm phục và biết ơn dành cho bố tôi và họ - những người con ưu tú của đất nước, bằng lòng tự hào và xúc động của một thế hệ đang nối tiếp những truyền thống cha ông vĩ đại. Trong một ngày hạ nắng vương trên cột cờ Thủ đô, trái tim tôi như cũng bừng nắng, ánh nắng của lí tưởng, của niềm tin về hoài bão nối tiếp sự nghiệp hào hùng của những người đi trước, tiếp nối sự cống hiến khiêm nhường cho non sông mà bao thế hệ cha anh đã thực hiện, trong đó có cha tôi.

Khi cả nước đang kính cẩn hướng về ngày lễ Kỉ niệm 74 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ 27.7, tôi xin nghiêng ngòi bút mình cảm tạ những sự hy sinh thầm lặng mà vĩ đại ấy, đặc biệt là những người chiến sĩ đang chiến đấu ngày hôm nay, giữa thời bình, không bom đạn, không tiếng súng, mà vẫn có sự hy sinh…những sự hy sinh thầm lặng! 

CLB Truyền thông C500 – CMC

Biên tập: Ngô Thăng Long 

Ảnh: Sưu tầm